Thời kỳ thanh thiếu niên Tưởng_Giới_Thạch

Thiếu thời

Tưởng Giới Thạch sinh vào giờ Ngọ ngày 15 tháng 9 năm Quang Tự thứ 39 (tức ngày 31 tháng 10 năm 1887) tại hiệu muối Ngọc Thái, trấn Khê Khẩu, huyện Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang [11]:1. Tự nhận rằng "trẻ tính ngu dại, chẳng chịu trói buộc"[20]:1461. Năm 1893, Tưởng Giới Thạch lúc này đã kha khá mở mang tri thức, thích múa nghịch dao gậy, gọi con nhà hàng xóm đến chơi trò chiến đấu, tự mình làm đại tướng chỉ huy, lên bục kể chuyện xưa, lấy đó làm niềm vui[21]:2.

Năm 1892, Tưởng Giới Thạch bắt đầu theo học tại trường tư; lần lượt đọc "Đại Học", "Trung Dung", "Luận ngữ", "Mạnh Tử", "Lễ ký"[11]:2. Từ năm 1896, lần lượt đọc "Hiếu Kinh", "Xuân Thu", "Tả truyện", "Thi kinh", "Thượng thư", "Dịch Kinh"[11]:3. Thời kỳ thanh niên và trung niên, Tưởng đã đọc qua một số sách báo cận đại[22]:24. Khi Tưởng Giới Thạch học tập giáo lý Trung Quốc học, việc tiếp nhận tri thức hiện đại là rất ít; hiển nhiên không thể nói Tưởng Giới Thạch vào thời thanh thiên thiếu hoàn toàn không cảm nhận được ảnh hưởng của tư tưởng mới; thông qua ảnh hưởng của báo chí và tin tức khác, Tưởng Giới Thạch trù tính tìm cách đi ra thế giới bên ngoài[22]

Năm 1901, ông kết hôn với người vợ đầu Mao Phúc Mai 毛福梅; năm 1902, ông tham gia "đồng tử thí", thấy trường thi có quy tắc dung tục và vô giá trị; năm 1903, Tưởng Giới Thạch lên huyện lỵ, theo học tại Học đường Phụng Lộc, tiếp nhận giáo dục kiểu mới; tháng 1 năm 1906, Tưởng Giới Thạch lại đến huyện lị, theo học tại Học đường Long Tân[11]:4[23]. Học đường Phụng Lộc và Học Đường Long Tân là hai trường mới thành lập tại Phụng Hóa, học đường mở các môn học mới như Anh văn, toán học, song trọng tâm giáo dục vẫn là cựu học kinh sử[24]. Giáo viên Anh văn từng dạy Tưởng Giới Thạch tại Học đường Long Tân nhớ lại, Tưởng Giới Thạch để lại cho mình ấn tượng khó quên, rằng ông háo hức với báo chí xuất bản tại Thượng Hải[25]:34[22]

Tham gia quân đội

Tháng 3 năm 1906, Tưởng Giới Thạch quyết chí tham gia cách mạng, tự cắt đuôi sam, nhờ bạn báo tin cho gia đình để thể hiện quyết tâm; tháng 4, ông sang Nhật Bản, theo học tại Trường Thanh Hoa Tokyo, tại đó quen biết Trần Kỳ Mỹ[11]:4. Tưởng Giới Thạch không giống với rất nhiều người đương thời là chọn các ngành liên quan đến phát triển xã hội như khoa học-công nghệ và giáo dục, song lựa chọn đó và con người văn hóa truyền thống Trung Quốc như ông lại không thích hợp với nhau[22]:10-11. Tưởng Giới Thạch có ý định học trường quân sự, song do Hiệp nghị Nhật-Thanh, ông không phải là người được chính phủ Thanh chính thức cử đi[26]:121-122, sau khi đến Nhật Bản, do không có công phí lưu học nên không được vào trường quân sự[9]:458.

Tưởng Giới Thạch khi lưu học tại Nhật Bản

Mùa đông năm 1906, Tưởng Giới Thạch trở về Trung Quốc; đến mùa hè năm 1907, Tưởng Giới Thạch đến Bảo Định, theo học Trường cấp tốc Lục quân Toàn quốc Bộ Lục quân (陸軍部陸軍速成學堂); cuối năm đó tham gia thi để sang Nhật Bản học quân sự và được tuyển; năm 1908, Tưởng Giới Thạch lại sang Nhật Bản, theo học tại Trường Shinbu Tokyo; nghỉ hè về nước thăm thân; do được Trần Kỳ Mỹ giới thiệu, ông gia nhập Đồng Minh hội. Năm 1909, Tưởng Giới Thạch lần đầu gặp Tôn Trung Sơn, đàm luận quốc sự. Năm 1910, Tưởng Giới Thạch tốt nghiệp Trường Shinbu Tokyo, trở thành học sinh sĩ quan dự bị tại Liên đội Pháo dã chiến số 19 thuộc Sư đoàn 13 Lục quân Takata[11]:5。[27]. Chương trình học chủ yếu là môn học quân sự và tiếng Nhật; giáo dục quân sự hóa cao độ khiến cho Tưởng Giới Thạch có tư duy quân sự hóa mãnh liệt[22]:13. Doanh trại thực tập đặt tại địa bàn nay thuộc Jōetsu, Niigata, quân hàm thực tập sinh là "nhị đẳng binh"[28], về sau được thăng làm "thượng đẳng binh"[14]:79. Trong quá trình học, Tưởng Giới Thạch tiếp xúc với tác phong quân phiệt Nhật Bản; sau khi ông nắm đại quyền, yêu cầu cấp dưới đối với mình "phục tùng cần đến mức độ mù quáng, tin phục cần đến mức độ mê tín"[9]:458.

Tham gia cách mạng

Tháng 10 năm 1911, sau khi tin tức về Khởi nghĩa Vũ Xương được truyền đến Nhật Bản, Tưởng Giới Thạch liền lên thuyền từ Nagasaki về Trung Quốc; ngày 30 tháng 10 thuyền đến Thượng Hải, ngày 3 tháng 11, Trần Kỳ Mỹ chiếm được Thượng Hải, đồng thời tập hợp lực lượng nhằm công chiếm Nam Kinh, Tưởng Giới Thạch tham gia các hoạt động này, được Trần Kỳ Mỹ đánh giá cao và thăng cho làm sĩ quan chỉ huy đội tiên phong đánh Chiết Giang; Tưởng Giới Thạch thuộc sư đoàn số hai, sư đoàn trưởng là Hoàng Phu, lữ đoàn trưởng là Trương Tông Xương[9]:458. Tưởng Giới Thạch dẫn đội cảm tử tấn công trụ sở của tuần phủ Chiết Giang, bắt giữ Tuần phủ Tăng Uẩn; trở về Thượng Hải, Tưởng Giới Thạch nhậm chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5 Hỗ quân (quân đội Thượng Hải), giúp Trần Kỳ Mỹ tính kế bình định toàn Giang Tô [11]:5-6. Tưởng Giới Thạch được nhận định nằm trong số nhân tài quân sự trong đảng[22]:14.

Ngày 14 tháng 1 năm 1912, do tranh chấp phe phái, Trần Kỳ Mỹ lệnh cho Tưởng Giới Thạch tiến hành ám sát thủ lĩnh Quang Phục hội Đào Thành Chương tại Bệnh viện Quảng Từ Thượng Hải[6]:1164. Tôn Trung Sơn hạ lệnh cấp tốc truy bắt, Tưởng Giới Thạch do vụ án Đào Thành Chương phải tránh sang Nhật Bản[9]:459[29]. Tưởng Giới Thạch tại Nhật Bản học tiếng Đức, sáng lập tạp chí "Quân thanh", viết các bài như "Nghị luận hạn hẹp về tác chiến chinh phạt Mông Cổ", "Vấn đề thống nhất quân-chính", "Quản trị quân-chính sau chiến tranh cách mạng", "Giải quyết căn bản vấn đề Mông Cổ-Tây Tạng", "Ảnh hưởng của Chiến cục Balkan đến ngoại giao Trung Quốc và các nước", mùa đông cùng năm, ông trở về Trung Quốc cư trú[11]:6.

Tưởng Giới Thạch năm 1912

Tháng 3 năm 1913, Viên Thế Khải bãi miễn bốn vị đô đốc là đảng viên của Quốc dân Đảng (chính đảng tồn tại từ 1912-1913), ký kết các khoản vay lớn với ngân hàng năm quốc gia, âm mưu lật đổ Dân quốc; Quốc dân Đảng công khai chỉ trích, cử Trần Kỳ Mỹ thảo phạt quân của Viên Thế Khải, Tưởng Giới Thạch phụng lệnh tấn công Cục Chế tạo Giang Nam song bất thành[11]:6. Tưởng Giới Thạch chiến bại nên rút lui đến Áp Bắc, song lại bị lính tuần Anh Quốc tước vũ khí, Đô đốc Hỗ quân Dương Thiện Đức hạ lệnh lùng bắt Tưởng[9]:459. Trong thời gian này, Tưởng Giới Thạch lấy một kỹ nữ, không lâu sau thì bỏ[9]:459. Mùa hè năm 1914, Tưởng Giới Thạch phụng lệnh của Tôn Trung Sơn, chủ trì thảo phạt lực lượng quân sự của Viên Thế Khải tại Thượng Hải-Nam Kinh, kiêm nhiệm Tư lệnh Đệ Nhất lộ, phụ trách nhiệm vụ tấn công miền Tây Thượng Hải, sự việc bị lộ, Viên Thế Khải truy bắt rất gắt gao[11]:6. Viên Thế Khải ra lệnh khẩn cấp bắt Tưởng Giới Thạch, đồng thời mua người trong Quốc dân Đảng là Vương Kim Phát, Tưởng Giới Thạch biết được âm mưu, nghe theo điện của Trần Kỳ Mỹ sang Nhật Bản[30]:32. Tưởng Giới Thạch sau đó theo lệnh đến Cáp Nhĩ Tân, thị sát tình hình Đông Bắc; gửi thư báo cáo Tôn Trung Sơn, nói về xu Thế Chiến tranh tại châu Âu cùng kế hoạch lật đổ Viên Thế Khải[11]:6. Tại Đông Bắc, Tưởng Giới Thạch lập kế hoạch thảo phạt Viên Thế Khải, song do thế lực Nhật Bản khống chế Đông Bắc nên khó tiến triển, đến khoảng mùa thu thì lại sang Nhật Bản[14]:105. Tưởng Giới Thạch từng tiếp xúc với phía quân Nhật Bản tại Trung Quốc, để cảnh báo họ không được chiếm lĩnh Đông Bắc, không được cản trở cách mạng[16]:163.

Năm 1915, ý chí thảo phạt Viên Thế Khải chưa thành, Tưởng Giới Thạch sống gò bó tại Tokyo, quyết tâm học tập, đồng thời bắt đầu viết nhật ký; Trần Kỳ Mỹ nhậm chức Tư lệnh Tùng Hỗ (tức Thượng Hải), triệu Tưởng Giới Thạch về nước làm công việc cơ yếu, âm mưu vận động tàu Triệu Hòa và chiếm tàu Ứng Thụy, đồng thời đánh chiếm các sở quan trên đất liền, song không thành[11]:7 Tháng 9, Trần Kỳ Mỹ mắc kẹt tại Thượng Hải, đặt tổng cơ quan tại tô giới Pháp, do Tưởng Giới Thạch đảm nhiệm chức vụ quân sự; tháng 10, Tưởng Giới Thạch phụng lệnh Tôn Trung Sơn trở về Thượng Hải, viết ra "thư kế hoạch quân sự khởi nghĩa Tùng Hỗ", đưa cho Trần Kỳ Mỹ tham khảo, ngày 10 tháng 11, Trần Kỹ Mỹ phái nhóm Vương Minh Sơn ám sát Trịnh Nhữ Thành thuộc phe Viên Thế Khải; lực lượng quân sự tại Cục Chế tác không thể hưởng ứng kịp thời; Trần Kỳ Mỹ và Tưởng Giới Thạch triệt thoái về cơ quan, song lúc này bị lính tuần Pháp đến lùng bắt nên phải chạy trốn[30]:32.

Ngày 14 tháng 12 năm 1916, Tưởng Giới Thạch dẫn đám Dương Hổ đánh chiếm công sự Giang Âm[11]:7, để làm căn cứ chiếm lấy khu vực Trường Giang, đồng thời tuyên bố độc lập[30]:34. Sau khi chiếm được năm ngày, do nội bộ có loạn, người đồng hành đều trốn đi lúc đêm tối; Tưởng Giới Thạch một mình trong lũy, đến đêm khuya, hai binh sĩ đến báo cáo "lũy đã trống, sao chưa đi mau". Tưởng bèn lệnh cho hai người dẫn đường, rời pháo đài về Thượng Hải[30]:34. Ngày 8 tháng 5, Trần Kỳ Mỹ bị ám sát[9]:459. Tưởng Giới Thạch chủ trì tang lễ, viết văn than khóc; tháng 7, Tưởng Giới Thạch phụng lệnh Tôn Trung Sơn đi đến huyện Duy thuộc tỉnh Sơn Đông để nhậm chức Tham mưu trưởng Đông Bắc quân của Trung Hoa Cách mạng Quân[11]:7. Tưởng Giới Thạch đến chỉ huy tác chiến, song quyền lực không tập trung, khó có hiệu quả; Tưởng Giới Thạch bèn đến Bắc Kinh quan sát chính cục, mùa thu cùng năm lại trở về Thượng Hải[30]:34。

Tháng 7 năm 1917, Tôn Trung Sơn đến Quảng Châu lãnh đạo Phong trào Hộ pháp, Hải quân hưởng ứng trước tiên, kinh phí thuyết phục Hải quân đến từ Công sứ Đức, tài chính do Tôn Trung Sơn giao cho Tưởng Giới Thạch một tay lo liệu tại Thượng Hải, mở ra cho Tưởng Giới Thạch cơ hội thiết lập kênh liên hệ với giới tài chính Thượng Hải[31].

Phong trào Hộ pháp

Tưởng Giới Thạch năm 1918

Mùa xuân năm 1917, Tưởng Giới Thạch ở tại Thượng Hải, liên lạc với đồng chí tại Nam Kinh và Thiệu Hưng mưu tính diệt trừ thế lực tàn dư của Viên Thế Khải; mùa xuân năm 1918, Tưởng Giới Thạch nhận lệnh đến Quảng Đông, trên đường đi ông soạn ra "Thư phán đoán hành động hai quân nam-bắc về sau" (今後南北兩軍行動之判斷書). Đến Quảng Đông, ông nhậm chức Trưởng ban tác chiến Bộ Tổng tư lệnh Mân-Việt quân, lập kế hoạch tác chiến thời kỳ thứ nhất và thứ hai, đồng thời tự mình đốc chiến; đến mùa hè thì ông từ chức và trở về Thượng Hải, song lại phụng lệnh đến Phúc Kiến nhậm chức Tư lệnh chi đội số hai Việt quân; đến mùa đông, ông đánh chiếm được Vĩnh Thái, song lại nhận lệnh đình chiến[11]:7-8. Sau khi rời Phúc Kiến, Tưởng Giới Thạch lập ra một sở giao dịch thương nghiệp tại Thượng Hải; trải qua thời gian một năm, thu được một triệu đồng, huy động được một khoản tài trợ cho Tôn Trung Sơn[9]:459

Mùa thu năm 1919, Tưởng Giới Thạch từ chức và trở về Thượng Hải; đến mùa đông, ông sang Nhật Bản rồi lại về nước; năm 1920, Tưởng Giới Thạch nhận lệnh đến Phúc Kiến, tham gia sự vụ tác chiến cơ yếu, đồng thời trình lên kế hoạch công kích và tác chiến thời kỳ thứ ba; Trần Quýnh Minh bổ nhiệm Tưởng Giới Thạch là sĩ quan tổng chỉ huy tiền tuyến quân đoàn số hai của Việt quân, song Tưởng Giới Thạch không nhận chức mà về quê chăm sóc mẹ[11]:8. Sau đó, Tưởng Giới Thạch phụng lệnh đến Chương Châu thuộc Phúc Kiến, thúc giục nhóm Trần Quýnh Minh đưa quân về Quảng Châu; ngày 5 tháng 10; Tưởng Giới Thạch đến Tổng bộ Sán Đầu[30]:39.

Nổi lên trên chính trường

Năm 1922, Tưởng Giới Thạch đến Quảng Tây gặp Tôn Trung Sơn, thảo luận về thời điểm xuất quân, kiến nghị dời đại bản doanh đến Thiều Châu; do Trần Quýnh Minh có ý đồ khác, cản trở Bắc phạt, Tưởng Giới Thạch hết sức tức giận, cáo biệt quay về[11]:8-9. Tháng 6, Trần Quýnh Minh làm phản, Tôn Trung Sơn tị nạn trên tàu Vĩnh Phong[2]:472. Ngày 29 tháng 6, Tưởng Giới Thạch đến Quảng Đông, từ đó mỗi ngày Tưởng Giới Thạch đi theo Tôn Trung Sơn, chỉ huy hải quân tấn công phản quân, đến ngày 9 tháng 8 biết được tin quân Bắc phạt thất bại quay về, Tưởng Giới Thạch mới cùng với Tôn Trung Sơn rời Quảng Đông đến Thượng Hải, ngày 14 tháng 8 thì đến nơi[30]:40. Ở trên tàu trong hơn 40 ngày[14]:112, Tưởng Giới Thạch hộ giá Tôn Trung Sơn thoát hiểm đến Thượng Hải, đồng thời sáng tác "Ký sự Tôn đại tổng thống gặp nguy tại Quảng Châu" (孫大總統廣州蒙難記), nhằm vạch trần tội trạng của Trần Quýnh Minh. Đến mùa đông Tưởng Giới Thạch tuân lệnh nhậm chức Tham mưu trưởng Quân đoàn 2 Đông lộ thảo tặc quân, đến Phúc Kiến lập kế dẹp loạn[11]:9. Lúc đó, Tôn Trung Sơn phái Tưởng Giới Thạch đi Phúc Kiến, lập liên hệ cùng An Phúc hệ quân phiệt; dưới sự bang trợ của họ, Tôn Trung Sơn trở về Quảng Châu vào năm 1923[32]:45. Tại Thượng Hải, đồng hương Ngu Hiệp Khanh chỉ dạy Tưởng Giới Thạch: Bái thủ lĩnh Thanh bang Hoàng Kim Vinh làm thầy[33]:114. Ngày 22 tháng 11, Tôn Trung Sơn trong thư khích lệ Tưởng Giới Thạch hãy kiên nhẫn[32]:45

Năm 1923, Ủy ban Quân sự Tổng bộ Trung Quốc Quốc dân Đảng được thành lập, Tưởng được làm ủy viên, cũng nhậm chức tham mưu trưởng đại bản doanh. Tưởng từ chức tham mưu trưởng Đông lộ thảo tặc quân, chuyên tâm xử lý công tác cơ yếu của đại bản doanh, theo Tôn Trung Sơn thân chinh[11]:9. Ngày 17 tháng 2, Tôn Trung Sơn bổ nhiệm đặc biệt Tưởng Giới Thạch làm tham mưu trưởng hành doanh đại nguyên soái[14]:112.

Tháng 2 năm 1925, Tưởng Giới Thạch dẫn Đoàn giáo đạo trường quân sự Hoàng Phố (tư lệnh kiêm tổng giáo quan, về sau Hà Ứng Khâm nhậm chức tổng giáo quan, phân thành "Giáo đạo đệ Nhất đoàn", "Giáo đạo đệ Nhị đoàn") cùng Việt quân lần đầu tiên đông chinh Trần Quýnh Minh, chưa đầy một tháng, họ đánh thẳng đến Triều Châu, Sán Đầu, Mai huyện; đến tháng 9, Tưởng Giới Thạch nhận lệnh làm tổng chỉ huy quân đông chinh[11]:10.

Tôn Trung Sơn và Tưởng Giới Thach chụp ảnh sau lễ khai giảng Trường quân sự Hoàng Phố năm 1924.

Ngày 24 tháng 1 năm 1924, Tôn Trung Sơn lấy danh nghĩa đại nguyên soái, giao cho Tưởng Giới Thạch làm ủy viên trưởng Ủy ban trù bị Trường quân sự Lục quân[14]:138. Ngày 6 tháng 2, Tưởng Giới Thạch lập ban trù bị Trường quân sự Lục quân tại Quảng Châu[30]:51. Một tháng sau, Tưởng Giới Thạch từ chức, bắt đầu phát phí giải tán; tháng 4, Tôn Trung Sơn gửi công văn cho Tưởng Giới Thạch nói rằng nhất thiết phải làm việc không ngại gian khổ, oán thán, kiên trì phấn đấu, không cho phép từ chức[14]:138. Ngày 21 tháng 4, Tưởng Giới Thạch trở lại Quảng Châu[14]:139. Mùa hè cùng năm, Tưởng Giới Thạch đến trường nhậm chức, ngày 3 tháng 5[30]:51, tuân lệnh nhậm chức hiệu trưởng Trường quân sự Lục quân (Trường quân sự Hoàng Phố), kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tổng tư lệnh Việt quân; sang mùa thu, ông kiêm nhiệm Tư lệnh yếu địa Trường Châu; khi ủy ban quân sự cải tổ, Tưởng Giới Thạch vẫn là ủy viên, còn được phái làm ủy viên trưởng ủy ban trù bị huấn luyện quân sự các quân, còn nhận lệnh kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Huấn luyện Bộ Tổng tư lệnh Việt quân; đến mùa đông, Ủy ban Cách mạng thành lập, Tưởng được bổ nhiệm làm ủy viên toàn quyền Ủy ban cách mạng, phụ trách sự biến Thương đoàn Nhị Bình[11]:9. Mao Trạch Đông từng nói rằng Tưởng Giới Thạch dựa vào Trường quân sự Hoàng Phố mà gây dựng sự nghiệp[9]:461. Tân quân đổi thành Đảng quân, Tưởng Giới Thạch được bổ nhiệm làm bí thư quân sự[11]:10.

Tháng 3 năm 1925, Tôn Trung Sơn từ trần tại Bắc Kinh, Tưởng Giới Thạch phát thư thương tiếc trong quân đội, về Quảng Châu cúng tế, đồng thời chỉnh lý giáo vụ, khi trở lại quân đội ông nhậm chức Triều Sán thiện hậu đốc biện; tháng 4, Trung ương bổ nhiệm Tưởng Giới Thạch làm Tư lệnh quan Đảng quân; đến tháng 6, Dương Hy Mẫn, Lưu Chấn Hoàn làm phản, Tưởng Giới Thạch theo lệnh kiêm nhiệm Tư lệnh quân đồn trú Quảng Châu, đem quân bình loạn; sang tháng 7, ủy ban quân sự thành lập, Tưởng Giới Thạch nhậm chức ủy viên, kiến nghị sáu đại kế hoạch cách mạng; tháng 8, một thủ lĩnh Trung Quốc Quốc dân Đảng là Liệu Trọng Khải bị ám sát, dư luận căm phẫn, trung ương tổ chức ủy ban đặc biệt, bổ nhiệm Tưởng Giới Thạch làm ủy viên, phụ trách toàn quyền chính trị quân sự và cảnh sát, xử lý vụ án Liệu Trọng Khải, bình định thời cục; Đảng quân đổi thành Đệ Nhất quân của Quốc dân Cách mạng Quân, Tưởng Giới Thạch nhậm chức quân trưởng[11]:10. Ngày 24 tháng 8, Tưởng Giới Thạch lại trở thành Tư lệnh quân đồn trú Quảng Châu[9]:462. Lúc đó, Tưởng nhậm chức ủy viên trung ương hậu bổ, Mao Trạch Đông chính là quyền bộ trưởng tuyên truyền của Trung ương Quốc dân Đảng[33]:3。

Tháng 12 năm 1925, Tưởng Giới Thạch chiến thắng trở về Quảng Châu; tháng 1 năm 1926, đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Quốc dân Đảng khai mạc, bầu cử ủy viên ủy ban chấp hành trung ương khóa hai, Tưởng Giới Thạch đắc cử làm ủy viên chấp hành, lại được chọn làm ủy viên thường vụ; tháng 2, ủy ban quân sự bổ nhiệm Tưởng Giới Thạch làm Tổng giám Quốc dân Cách mạng quân, Tưởng Giới Thạch từ chối không nhận; tháng 3, Trường quân sự Hoàng Phố đổi tên thành Trường Quân sự Chính trị Trung ương, Tưởng Giới Thạch vẫn giữ chức hiệu trưởng. Trong sự kiện biến loạn tàu Trung Sơn ngày 18 tháng 3 nhằm hãm hại Tưởng Giới Thạch, Tưởng Giới Thạch sau khi phát giác liền nhanh chóng xử trí, biến loạn bị dẹp yên; Uông Triệu Minh rời Quảng Đông để tránh nghi ngờ; tháng 4, phái hội nghị Tây Sơn làm trái điều lệ đảng, mở đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai Trung Quốc Quốc dân Đảng tại Thượng Hải, Tưởng Giới Thạch gửi điện phản đối[11]:11.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tưởng_Giới_Thạch //nla.gov.au/anbd.aut-an36730820 http://news.sina.com.cn/cul/2004-11-01/58.html http://m.823u.com/html/31-6/6418-3.htm http://chiang2006.world.edoors.com/index.php http://www.flyingtiger-cacw.com/new_page_407.htm http://news.ifeng.com/a/20140717/41196148_3.shtml http://news.ifeng.com/history/zhongguojindaishi/de... http://news.ifeng.com/taiwan/3/detail_2011_06/17/7... http://www.nytimes.com/learning/general/onthisday/... http://epaper.oeeee.com/A/html/2014-06/16/content_...